Diễn biến các sự kiện trong các ngày đầu tháng 5 năm 1945 Ngày_chiến_thắng_(9_tháng_5)

Tình hình mặt trận Xô-Đức

Xem thêm thông tin: Chiến tranh Xô-Đức
Trung úy William Robertson, quân đội Hoa Kỳ và Trung úy Aleksandr Sylvashko, quân đội Liên Xô gặp nhau tại Torgau. (Phía sau họ là tấm biển có dòng chữ "Đông Tây hội ngộ")

Lúc 10 giờ sáng 30 tháng 4 năm 1945, các binh sĩ Liên Xô Aleksey Berestov, Mikhail Yegorov và Meliton Kantaria thuộc Trung đoàn bộ binh 150, Sư đoàn bộ binh 2 (Huân chương Kutuzov), thuộc Quân đoàn bộ binh 79, Tập đoàn quân xung kích 3, Phương diện quân Belorrusia 1 đã cắm là cờ chiến thắng lên nóc nhà Quốc hội Đức. Cũng trong ngày 30 tháng 4, Văn phòng đế chế (còn gọi là Toà nhà Đế chính) nằm trên đại lộ Friedrich Wilheim bị Quân đội Liên Xô đánh chiếm. Ngày 2 tháng 5, đến lượt trụ sở cơ quan an ninh Đức Quốc xã trên đường Unter den Lindel (Dưới rặng bồ đề) thất thủ. Mặc dù chiến sự ở khu vực Berlin cơ bản đã chấm dứt nhưng tại Tây Tiệp Khắc, phía Đông Nam nước Áo, tại bán đảo Kurlandia và một số đảo trên biển Baltic, quân Đức vẫn không chịu hạ vũ khí.[6]

Tại khu vực phía Tây Tiệp Khắc bao gồm cả thành phố Praha, quân Đức vẫn kháng cự đặc biệt mạnh như chưa hề có chuyện Berlin thất thủ. Một số quân rất lớn của Cụm tập đoàn quân Trung tâm (Đức) mà nòng cốt là Tập đoàn quân xe tăng 6 SS dưới quyền chỉ huy của Thống chế Ferdinand Schörner vẫn dựa vào các vị trí xung quanh các dãy núi vùng Boheim và Moravia để tiếp tục chiến đấu. Theo mệnh lệnh trước đó của Hitler (lúc này đã tự sát), Tập đoàn quân xe tăng 6 SS phải giữ bằng được "Pháo đài Alpe" nằm trong vùng tam giác Munchen - Insburg và Salsburg để Chính phủ Đức Quốc xã và các cơ quan chỉ huy quân sự Đức Quốc xã có thể rời đến làm việc ở đó trong trường hợp Berlin thất thủ. Hoạt động trên địa bàn này còn có Cụm tác chiến Áo của tướng Lothar Rendulic và Cụm tác chiến Đông Nam của tướng Alexander Löhr.[7] Điều này hoàn toàn phù hợp với một tài liệu của Bộ Tổng tham mưu Đức do tướng Alfred Jodl ký ngày 2 tháng 5 ra lệnh:

Quân đội Anh và Quân đội Liên Xô gặp nhau trên bờ biển Baltic (Bắc Đức), ngày 3 tháng 5 năm 1945
Kể từ hôm nay, nguyên tắc chỉ đạo hoạt động chủ yếu của Bộ chỉ huy tối cao quân đội Đức Quốc xã là cứu vãn binh lính Đức khỏi bị quân Nga bắt làm tù binh càng nhiều càng tốt và tiến hành đàm phán ngay với các nước phương Tây về việc ngừng bắn với họ càng sớm càng tốt.
— Alfred Jodl, [8]

Căn cứ mệnh lệnh này, quân Đức chỉ hạ vũ khí trên mặt trận phía Tây và mặt trận Ý trong khi vẫn liên tục phản kích vào sườn trái Phương diện quân Ukraina 1 và ngăn chặn Phương diện quân Ukraina 2 (Liên Xô) ở ngoại vi Brno. Ngày 3 tháng 5, Thống chế Albert Kesselring, tư lệnh Cụm tập đoàn quân Italia được sự uỷ nhiệm của đô đốc Karl Dönitz chấp nhận ngừng bắn ở Bắc Ý và yêu cầu liên quân Anh - Hoa Kỳ để cho quân Đức tại Ý được tự do rút sang mặt trận phía Đông để chống lại quân đội Liên Xô. Tuy nhiên, người Anh ngỏ ý rằng phía Đức nên chấp nhận một sự đầu hàng không điều kiện. Để sớm giải quyết dứt điểm kết cục của cuộc chiến, ngày 4 tháng 5, Tổng tư lệnh tối cao quân đội Liên Xô Stalin điện hỏi nguyên soái I.S. Koniev: "Ai sẽ chiếm Praha?". Ngày 5 tháng 5, Chiến dịch Praha được quân đội Liên Xô phát động, sử dụng các Phương diện quân Ukraina 1, 2 và 4 bao vây Cụm tập đoàn quân Trung tâm (Đức) đang hoạt động tại khu vực Tiệp Khắc và miền Đông nước Áo. Ngày 9 tháng 5, quân đội Liên Xô giải phóng Praha.[9]

Tình hình mặt trận phía Tây

Quân đội Hoa Kỳ và quân đội Liên Xô gặp nhau trên bờ sông Elbe ngày 26 tháng 4 năm 1945

Ngày 20 tháng 4 năm 1945, Tập đoàn quân bộ binh 7 và Tập đoàn quân xe tăng 1 (Hoa Kỳ) vượt sông Rhine sau khi tấn công liên tục 160 km trong 4 ngày và chiếm thành phố Nuremberg. Ngày 22 tháng 4, các quân đoàn bộ binh 15 và 21 thuộc tập đoàn quân 7 (Hoa Kỳ) tấn công đánh chiếm thành phố Stuttgart. Bên cánh trái, các tập đoàn quân 3 và 6 (Hoa Kỳ) và Tập đoàn quân 1 (Pháp) cũng tiến đến sông Danube ngày 24 tháng 4. Ngày 25 tháng 4, một đội tuần tiễu của sư đoàn bộ binh 69 (Hoa Kỳ) đã gặp kỵ binh Liên Xô tại làng Leckwitz. Ngày 26 tháng 4, tư lệnh sư đoàn bộ binh 69 (Hoa Kỳ), Thiếu tướng Emil F. Reinhardt đã có cuộc gặp với Thiếu tướng Vladimir Rusakov, tư lệnh sư đoàn bộ binh 58 (Liên Xô) tại thị trấn Torgau bên bờ sông Elbe-Mulde. Đây là lần đầu tiên, quân đội hai nước gặp nhau trên chiến trường sau khi đã đánh bại những đơn vị cuối cùng của Tập đoàn quân 12 (Đức).[10]

Ngày 30 tháng 4, các quân đoàn 15 và 21 của Tập đoàn quân 7 (Hoa Kỳ) đánh chiếm Munich và phát triển thêm 48 km về phía nam sông Danube, trong khi các lực lượng phái đi trước của Quân đoàn 6 đã đột nhập địa phận nước Áo hai ngày trước đó. Ngày 4 tháng 5, các quân đoàn bộ binh 3, 5 và 12 đã phát triển đến gần biên giới Áo - Tiệp Khắc. Ở phía Nam, Quân đoàn bộ binh 6 đã bắt liên lạc được với các đơn vị Hoa Kỳ và Anh trên biên giới Áo - Ý nối liền mặt trận Tây Âu và mặt trận Địa Trung Hải. Cũng trong ngày 4 tháng 5, Quân đoàn 5 đánh chiếm căn cứ Salzburg, nằm trong tam giác chiến lược của "pháo đài Alpe", nơi bộ máy chiến tranh đầu não của quân đội Đức Quốc xã định rút về đây. Quân đoàn 15 cũng đánh chiếm thành phố Berchtesgaden, nơi được Hitler chọn làm sở chỉ huy dự bị của mình trong trường hợp Berlin thất thủ. Các con đường đi đến Alpe đã bị quân đội Hoa Kỳ phong toả, làm tiêu tan nốt ảo vọng cuối cùng của quân đội Đức Quốc xã về việc thiết lập căn cứ chỉ huy dự bị tại đây để tiếp tục cuộc chiến. Số phận của nước Đức Quốc xã trong cuộc Chiến tranh thế giới thứ hai ở châu Âu chỉ còn có thể tính từng ngày.[11]

Những thoả thuận của các nước đồng minh trước ngày 8 tháng 5 về việc đầu hàng không điều kiện của nước Đức Quốc xã

Tờ báo tiếng Đức Feldpost ra tháng 2 năm 1945 đăng tin ảnh về Hội nghị Yalta và tình hình mặt trận phía Đông

Từ ngày 2 đến ngày 4 tháng 5 năm 1945, tại Tổng hành dinh mới của nước Đức Quốc xã đóng ở Hamburg đã diễn ra hội nghị Ban chỉ đạo chiến tranh tối cao của nước Đức Quốc xã dưới sự chủ trì của Đại đô đốc Karl Dönitz. Dự họp còn có Thống chế Wilhelm Keitel, Tổng tư lệnh lục quân Đức, Đại tướng Alfred Jodl, Phó tổng tham mưu trưởng lục quân Đức và một số tướng lĩnh Đức khác. Mở dầu cuộc họp, Karl Dönitz đặt vấn đề sẽ đầu hàng quân đội Hoa Kỳ, quân đội Anh và tiếp tục chiến đấu chống quân đội Liên Xô. Tất cả các tướng lĩnh Đức dự họp đều tán thành chủ trương này. Kết quả của hội nghị đó là ngày 5 tháng 5 năm 1945. Bộ chỉ huy tối cao quân đội Đức Quốc xã đã kết thúc các cuộc đàm phán trên mặt trận phía Tây về việc quân Đức sẽ đình chiến tại nhiều mặt trận. Thiếu tướng I.A. Susloparov, đại diện Bộ Tổng tư lệnh quân đội Liên Xô tại Tổng hành dinh của Thống tướng Eisenhower đã báo cáo toàn bộ các diễn biến mà ông ta biết được về các cuộc gặp riêng giữa Chánh đô đốc Hans-Georg von Friedeburg và Thống tướng Eisenhower về Moskva. Thực ra thì không chỉ đến ngày 7 tháng 5 mà từ trước đó nhiều ngày, đô đốc von Friedeburg, đặc phái viên của Karl Dönitz dã có mặt tại Tổng hành dinh của tướng Eisenhower để thăm dò khả năng "đầu hàng một phía" của Đế chế thứ ba.

Theo một thoả ước được xác định bằng một văn bản ghi nhớ tại Hội nghị họp từ ngày 4 đến ngày 11 tháng 2 năm 1945 tại Cung điện Livadia gần thành phố Yalta, miền nam Ukraina thì:

Vì tính nhân đạo của công cuộc chiến đấu chống các thế lực phát xít và để giảm thiểu đến mức thấp nhất có thể đạt được những tổn thất đối với quân đội các nước tham gia chống phát xít; tư lệnh quân đội các nước đồng minh chống phát xít được quyền tiếp nhận bất kỳ sự đầu hàng nào của chỉ huy các đơn vị quân đội Đức Quốc xã tại khu vực mặt trận do mình phụ trách mà chỉ cần thông báo cho nước đồng minh có liên quan biết về sự đầu hàng đó.
— Văn bản hội nghị Yalta, [12]

Mặc dù đang trong cơn bĩ cực nhưng bộ máy tình báo Đức Quốc xã vẫn hoạt động bình thường và không chỉ đô đốc Karl Dönitz mà nhiều tướng lĩnh cao cấp khác của nước Đức Quốc xã cũng nắm được như ý tưởng cơ bản của thoả thuận Yalta. Chính những điều đó đã giúp cho các tướng lĩnh Đức Quốc xã còn đang lãnh nhiệm sau ngày 30 tháng 4 năm 1945 nhìn ra một kẽ hở cho các cuộc đàm phán riêng rẽ với phía Liên Xô và phía Hoa Kỳ - Anh về việc đầu hàng của nước Đức Quốc xã. Nếu như ngày 1 tháng 5, ở Berlin, Thượng tướng Bộ binh Hans Krebs thất bại trong cuộc đàm phán với Thượng tướng I.D. Sokolovsky của quân đội Liên Xô về vấn đề ngừng bắn thì ngày 5 tháng 5 tại Reims, tướng Alfred Jodl lại đạt được thảo thuận về việc đầu hàng của quân đội Đức Quốc xã tại mặt trận phía Tây. Khi hiểu ra điều này, tướng S.M. Shtemenko, khi đó là Phó tổng tham mưu trưởng quân đội Liên Xô đã nhận xét:

Té ra, đầu hàng không điều kiện vẫn có thể kiếm lời về chính trị được.
— S. M. Stemenko, [13]

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Ngày_chiến_thắng_(9_tháng_5) http://www.economist.com/world/britain/displaystor... http://odesskiy.com/den-pobedi/ http://sputniknews.com/politics/20150311/101934159... http://sputniknews.com/russia/20150130/1017554567.... http://www.youtube.com/watch?v=FJES2kTt0Z0&feature... http://www.youtube.com/watch?v=dEruDTulDgw http://www.youtube.com/watch?v=mp07yG-XIO4 http://www.youtube.com/watch?v=uOhMaLip-mE&feature... http://www.courier.co.il/?id=31726 http://www.history.army.mil/brochures/centeur/cent...